28 thg 5, 2012


Sinh sản :
Chọn dòng cá sẽ là một mối lo lắng hay không tùy theo ý định của người cho sinh sản. Nếu cho sinh sản mà không dự định duy trì một màu nào đó hay một đặc điểm đặc biệt mà mình muốn giữ lại thì ta có thể sử dụng bất kỳ con Betta nào để sinh sản. Lý tưởng nhất là cá phải đạt độ tuổi từ 3 đến 8 tháng và phải cách lần sinh sản trước đó (nếu có) ít nhất là 2 tuần. Tuy vậy, những con cá trống dường như có thể cho sinh sản lại chỉ ngay sau vài ngày nghỉ dưỡng.





Nuôi dưỡng cá trước khi cho sinh sản là điều thiết yếu, đặc biệt là đối với cá mái. Thức ăn tươi sống hay đông lạnh đều là những thức ăn tốt nhất và cá mái bụng phải đầy trứng trước khi cho sinh sản. Cá mái non hay bụng không to tròn vẫn có trứng nhưng với số lượng trứng không nhiều. Những con mái non tháng hơn sẽ dễ cho đẻ hơn những con mái già tháng mà chưa bao giờ đẻ qua. Nếu may mắn, một cá mái có thể đẻ thành công 4 hay 5 ổ trứng trước khi bị loại bỏ.

Cá trống có thể sinh sản ngay khi chúng được 2 tháng tuổi, nhưng kích thước cơ thể phải đủ to để có thể quấn và ép cá mái trong quá trình đẻ. Cá trống thường được giữ nuôi cho đến khi chết vào khoảng 2 năm tuổi. Cá trống có thể sinh sản thành công 30 lần hoặc hơn trong suốt cuộc đời mà không hề bị tổn hại thể chất.

Việc chọn cá giống cho sinh sản rất quan trọng nếu ta muốn đạt được một màu hay một phẩm chất nào đó của cá. Điều kiện sinh sản lý tưởng là một bể 20 đến 40 lít với mực nước 15cm. Nhiệt độ nước và không khí tiếp xúc mặt nước phải ít thay đổi, thường là vào khỏang 27 độ C. Nếu nhiệt độ này cao hơn một chút, cá sẽ đẻ nhanh hơn, nhưng trứng cá sẽ phát triển quá nhanh nếu nước vượt quá 27 độ C. Tốt nhất là nên cho cá đẻ ở nhiệt độ 28 độ C, sau đó hạ nhiệt độ từ từ xuống mức 27 độ. Với những điều kiện này, trứng sẽ nở trong khoảng 48 giờ. Nếu nhiệt độ vẫn giữ mức 28 độ C, trứng có thể nở trong vòng 36 giờ, nhưng cá con dễ bị dị dạng hoặc cả ổ sẽ chết khi vừa nở. Bể đẻ phải sạch, có vài nhánh thủy sinh hay rong để cá mái có chỗ trốn tránh bị cá trống làm tổn thương sau khi đẻ xong. Cá trống sẽ được thả vào bể trước, sau đó cho cá mái vào một lọ thủy tinh trong suốt đặt vào trong bể. Như thế, cá trống và cá mái có thể thấy mặt nhau, nhưng cá trống không thể gây tổn thương cho cá mái. Khoảng 1 đến 2 ngày sau, ta thấy cá trống xây một tổ bọt. Khi thấy có tổ bọt, ta nhẹ nhàng thả cá mái ra chung với cá trống. Khoảng 1 đến 2 ngày sau nữa, cá sẽ đẻ. Sau khi đẻ, cá mái phải được bắt ra ngoài để dưỡng dù rằng vẫn có một số cá mái có thể chăm trứng và cá con, vì đa số cá mái không có khả năng này.

Cá Betta tương đối dễ cho đẻ, nhưng khó nhất là nuôi dưỡng cá con đến khi hơn 10 ngày tuổi. Giai đoạn 10 ngày đầu đời này là giai đoạn mấu chốt cho sự phát triển của ổ cá. Khoảng 80, 90% cá con trong ổ sẽ chết trước khi đạt được 10 ngày tuổi.

Sau khi trứng nở, cá con mới nở thường xuyên bị rơi khỏi tổ và thường hay được cá cha hút vào miệng mang lên và thả vào tổ bọt trở lại. Hiện tượng này kéo dài khoảng 48 giờ. Nhiều cá bột sẽ chết trong giai đoạn này do bệnh, nấm, ký sinh trùng hay do phát triển không đều, và sẽ bị cá cha ăn mất. Sau khi cá bột biết bơi ngang, ta bắt cá cha ra và phải làm sao cho mặt nước thông thoáng. Ta cũng có thể để cá cha trong bể cá con cho đến khi chúng lớn.

Để cá con phát triển tốt, khi mới nở, ta có thể cho chúng ăn trùng cỏ (có thể nuôi và cho trùng cỏ sinh sản với nước xà lách ngâm). Sau độ 4 hay 5 ngày tuổi, ta bắt đầu cho ăn bobo, nhưng nên nhớ ta vẫn cho ăn kèm với trùng cỏ để những cá thể chậm phát triển hơn vẫn có thức ăn, có thế thì bầy đàn mới đông đúc, từ đó ta dễ chọn được những cá thể đẹp sau này.

(Sưu tầm)



Leave a Reply

Subscribe to Posts | Subscribe to Comments

Popular Post

BettaDance. Được tạo bởi Blogger.

- Copyright © BettaDance -Metrominimalist- Powered by Blogger - Designed by Johanes Djogan -